Danh đang chạy xe thì chuông điện thoại reng. Anh cẩn thận tấp vào lề, ngó trước ngó sau rồi mới móc iphone ra nghe.
– Lát con nhớ về ăn cơm nghe. Nay mẹ nấu canh chua cá lóc đồng, món con thích nè.
– Ba mẹ ăn trước đi. Tối nay con có cuộc hẹn với mấy thằng bạn. Tụi con bàn mấy phi vụ làm ăn.
– Ừm con.
Danh nghe tiếng “ừm con” có chút buồn. Anh chặc lưỡi, biết làm sao được, cuộc sống cứ cuốn người ta đi mải miết. Ba tháng rồi, thậm chí cái Tết vừa rồi, anh cũng không về ăn cơm với ba mẹ, dù nhà chỉ cách nhau có 10 km.
Sài Gòn mùa dịch Corona vắng lặng những dòng xe.
Quán Bia Tao Ngộ trước Tết vốn đông đúc ồn ào thì nay chỉ có mỗi bàn của Danh đang ngồi với mấy người bạn. Những cô tiếp viên bận áo quần ngắn cũn, không có việc làm, hết đi ra rồi đi vô.
– Vô mậy. 100% không say không về.
– Vô. Vô.
Chuông điện thoại lại đổ. Lần này số điện thoại của ba.
– Danh ơi, mau đến bệnh viện gấp. Mẹ con bị đột quị não rồi. Bác sĩ nói không cứu được.
– Ba …. Ba nói gì? Mẹ mới gọi điện thoại cho con ba giờ trước mà.
– Ừm. Lúc đó con từ chối về, mẹ con buồn, rồi đi vào nhà tắm, tự dưng bả gục xuống. Ba nghe cái xoảng chạy vào thì … bà nằm đó rên ư ử, miệng sùi bọt mép. Bác sĩ nói xuất huyết não nặng, tiên lượng xấu lắm con ơi.
– Trời ơi, sao nhanh vậy ba?
Danh loạng choạng đứng lên, không biết do rượu hay do nghe tin mẹ đột quị làm anh đứng không vững.
Chiếc băng ca được đẩy ra. Mẹ Danh được phủ một lớp vải trắng.
Danh gục xuống nơi cửa phòng cấp cứu.
Bàn tay chới với muốn nắm lấy bàn tay buông thỏng của mẹ ….
– Mẹ con mất rồi, con ơi.
Danh muốn gào lên nhưng lời không thốt ra được. Anh cứ hẹn lần hẹn lữa mỗi khi mẹ gọi về thăm.
Giờ đây vĩnh viễn anh không còn được ngồi ăn cơm với mẹ nữa.
– Thôi, đừng buồn con. Mẹ con không muốn thấy con buồn đâu. Ba Danh nói xong, rồi lọm khọm đi theo phía sau cô hộ lý đang đẩy băng ca.
Dáng ông còng cõi đổ xuống trên nền gạch dưới ánh đèn hành lang vàng vọt như một dấu chấm hỏi.
Cả đời người chẳng phải đầy những câu hỏi đó sao?
Có người may mắn tìm được câu trả lời. Có người chẳng bao giờ tìm được.
Ừ thì, làm sao em biết bia đá không đau?
Trong căn nhà nhỏ, nơi con hẻm ngoằn nghèo, sâu hun hút, trên bàn còn một mâm cơm. Ở đó có tô canh chua còn thơm mùi húng quế, ngò gai và tỏi phi.
Và văng vẳng tiếng hát của Hiền Thục: “Cần đêm trắng để trút vơi lòng đầy. CẦN THÊM NHỮNG LẦN HẸN NHƯ CUỐI CÙNG …”.
Chúng ta nào có biết, đôi khi vừa quay lưng cái, đó là lần hẹn cuối cùng của những người chúng ta yêu thương.
—
– Bà ơi, bà đi nhập viện, không có con cái gì theo sao?
– Tôi còn khoẻ mà bác sĩ. Bác sĩ cứ nói cho tôi biết tình trạng bệnh tật của mình đi. Đừng đòi gặp con tôi nữa.
– Bà 82 tuổi rồi, đủ thứ bệnh lý, khoẻ đâu mà khoẻ. Kết quả nội soi của bà là nghi ung thư trực tràng nên bác sĩ mới cần gặp người nhà, để đưa ra những hướng giải quyết.
– Tôi cũng đoán được. Bác sĩ cứ lên lịch cho tôi mổ đi.
– Hả?
– Hồi xưa tôi là bác sĩ mà.
Cuối cùng mình cũng gặp được người con. Ban đầu mình cũng như những người khác buông lời trách cứ: Con gì đâu mà tệ. Mẹ già bệnh nằm viện cả tuần không thấy đâu.
Con bệnh nhân vào ký giấy đồng ý mổ. Anh ta da niêm tái mét. Da của một người bệnh giai đoạn cuối.
– Tôi …. Sao bác sĩ đoán hay vậy?
– Bác sĩ mà.
– Tôi vừa mới mổ xong ung thư đại tràng, đang vào hoá chất, mới có hai tháng à. Xin lỗi bác sĩ. Tôi đâu có muốn mẹ tôi một mình trong bệnh viện. Tôi muốn giấu mẹ tôi. Sợ gặp tôi, mẹ lại buồn lại nghĩ quẩn.
Nghe con bệnh nhân nói xong, cố lắm mình mới không trào nước mắt.
Đời người đó, tháng năm vui vẻ có là bao? Hết gánh gồng này đến gánh gồng khác.
Có mấy ai không mang khiên, không mặc áo giáp?
Có mấy ai thở cười theo nhịp đập thực của trái tim? Hay chúng ta cứ gồng lên cho vừa vặn với đám đông rồi một ngày chợt nhận ra mình đã phí hoài cả đời đáng ra phải sống thật hăng say?
Nhìn anh ta ngồi kế bên bệnh nhân, dáng hai mẹ con cũng đổ xuống thềm căn phòng như hai dấu chấm than.
!
Đôi khi chúng ta hay phán xét, hay cho rằng thế nọ thế kia khi nhìn người khác biểu hiện … nhưng nào biết đằng sau mỗi thân phận đó là cả một biển đêm sâu thẳm khôn dò.
Mỗi người đi ngang qua cuộc đời này, dù muốn hay không, cũng là những chiến binh!
Sự vĩ đại nằm trong đôi mắt nhìn có đủ rộng và trái tim có đủ thương.
“Cần thêm yêu hay cần thôi biết yêu?”
Trích: Yên – Nguyễn Bảo Trung