Mùa Vu Lan, với lại anh năn nỉ miết, làm mình không thể từ chối việc đến khám tại nhà cho mẹ anh dù mình đã nghỉ việc khám bệnh tại nhà 3 năm nay.
Từ cuối quận 6, mình bắt đầu đi. Phải hơn 15 cây số mới tìm ra con hẻm sâu ngoằn và lắt léo trên đường Huỳnh Tấn Phát. Đến nơi thì thấy bà cụ nằm dưới gầm cầu thang tầng trệt để đầy xe gắn máy. Căn phòng hôi mùi nước đái lâu ngày.
Bà cụ 86 tuổi bị tai biến xuất huyết não nằm một chỗ 4 năm nay. Mình đo huyết áp và thử đường mà trong lòng buồn vô hạn. Anh lật mẹ lại hai vết loét vùng tì đè xương cùng cụt và giữa lưng sâu hoắm, mủ hôi.
– Sao anh không đưa đi bệnh viện?
– Mùa dịch, nhà neo người.
Mình không dám hỏi tiếp, sợ chạm phải nhiều lắm những bên sau của mỗi gia đình, mỗi con người.
Ghi toa thuốc xong, anh lúi dúi vào tay mình tờ 200 ngàn.
– Xin lỗi, anh không chuẩn bị kịp bì thư. Mấy bác sĩ quận đến khám lấy bấy nhiêu.
Mình nói: Không sao đâu. Em khám giúp. Anh để dành tiền mua thuốc cho bà.
Mình ra về. Cố gắng chạy thật chậm và phải dừng lại nhiều lần nép vào tường để nhường cho những chiếc xe gắn máy chạy ngược chiều trong hẻm. Hẻm nhỏ, nhưng nhà nào cũng bày biện xe hay phơi đồ nên thành ra thế.
Mình nghĩ: Bà cụ sống vậy có hạnh phúc không? Sống có chất lượng cuộc sống không?
Ở thành phố này, bao nhiêu ông bà cụ già bệnh sống có chất lượng cuộc sống? Hẻm nhỏ như vậy làm sao đẩy bà cụ đi chơi đi lòng vòng? Bao lâu rồi bà cụ chưa thấy mây trời, cây xanh, sông núi?
Mình lại nhớ đến hai bài báo đăng trên tờ Tuổi Trẻ. Hai bài báo đó đã làm mình khóc. Khóc vì thương. Khóc vì thấy mình quá bất lực trước cuộc đời này.
“Khởi tố hình sự bà nội đầu độc cháu bại não bằng thuốc chuột.”
“Bắt giam người con chửi và đánh đập mẹ già bệnh tật.”
Nếu là mình của 10 năm trước, mình sẽ nhảy dựng lên và phán xét. Còn bây giờ khi đọc xong bài viết, lòng buồn đến mênh mông.
Bởi vì có trải qua những hoàn cảnh chăm nuôi người bệnh nằm liệt một chỗ không có ngày mai như thế, chúng ta mới hiểu được nỗi lòng của những người trong cuộc.
Hôm trước mình ngồi với em, một người đã không còn mẹ do bệnh ung thư gan. Em kể rằng những ngày nuôi mẹ bệnh đợi chết là những ngày cùng cực nhất cuộc đời. Em muốn phát điên vì nhiều lẽ. Cứ lẩn quẩn bên mẹ, mấy ngày đầu thì chưa thấy gì, rồi mấy tháng, rồi hai năm. Mẹ nằm đó cứ than cứ rên đau. Mẹ nằm đó ỉa chây đái lì. Em phải dọn dẹp, nấu ăn, tắm rửa, cho mẹ uống thuốc. Em không đi đâu được. Mỗi lần mẹ lên cơn buồn ói không chịu ăn là em phát tức. Em từng la hét mẹ dữ lắm khi sự chịu đựng quá giới hạn. Em giận mà không hiểu vì sao em giận. Em mới 25 tuổi mà. Em còn phải đi chơi, đi làm ….
– Rồi giờ đây?
– Khi mất mẹ rồi, em ân hận lắm. Giá như ….
Thật sự là vậy! Khi chăm sóc một người già, đặc biệt là cha mẹ mình bệnh tật, chúng ta sẽ dễ rơi vào trầm cảm và túng quẫn.
Chúng ta không làm gì được để cứu cha mẹ cả, mở mắt ra là phải chạy lại bên giường xem cha mẹ có sao không, và cũng chẳng dám đi đâu vì không yên tâm….
Chúng ta chỉ chuẩn bị kế hoạch sống cho ngày mai, tháng tới, năm kế nhưng chúng ta không hề chuẩn bị kế hoạch cho mình và người thân ruột thịt của mình về tuổi già, bệnh tật và cái chết.
Có ai chuẩn bị cho nhau ngày nằm liệt giường trong bệnh viện, ăn thì được nuôi bằng sonde, tiểu thì được đưa ra bằng ống thông bao giờ đâu, dù đó là sự thật hiển nhiên rồi ai cũng phải đến.
Chúng ta hay nói: “Một mẹ già nuôi mười đứa con được, nhưng mười đứa con không nuôi nổi một mẹ già.”
Thật sự, nuôi trẻ con mỗi ngày mỗi lớn lên khác xa nuôi một người già, bệnh tật, đau yếu, đó là chưa kể khi già chúng ta trở nên xấu xí đến cỡ nào, cộng thêm do bệnh mà trái tính, trái nết, lúc nhớ lúc quên và hành xử hay nói những điều không thể tưởng tượng được!
Mình hành nghề Y cũng được 16 năm rồi, đã nhìn thấy bao nhiêu cảnh xót xa.
Có những cảnh bệnh nặng vào nhập viện nhưng không có tiền trả viện phí.
Có những người sợ chết dù đã gần 100 tuổi.
Có những người nghĩ rằng, sinh ra con, nuôi dưỡng con khôn lớn … rồi mình già con sẽ lo lắng lại cho, nhưng có một thời kỳ Trung Quốc nói riêng và các quốc gia Châu Á nói chung, những gia đình có một người con rơi vào khủng hoảng, vì sao, vì một người con đó phải gánh gồng cha mẹ, kèm theo ông bà nội ngoại, tổng cộng 6 người, chưa kể nếu anh ta hay chị ta có gia đình phải đi làm hành chánh với biết bao áp lực ngoài xã hội và quan trọng hơn hết là những người trẻ đó không sống cuộc đời riêng của anh ta hay chị ta nữa.
Và ngược lại, có những người trẻ đang đi làm có nghĩ đến cha mẹ già đang sống như thế nào không? Họ bị bệnh gì, đang điều trị ra sao? Họ sống có chất lượng không? Mỗi ngày có giúp cho cha mẹ già một nơi ở, một không gian yên vui? Hay lại sinh ra hai ba đứa con rồi nhờ ông bà chăm?
Vậy có lối thoát nào cho người già không – nếu ngay từ bây giờ chúng ta không chuẩn bị.
– Nghèo thì làm sao có tiền thuê bác sĩ riêng hay ô sin chăm sóc? Những người con giàu có khá giả sẽ đỡ hơn vì thuê người chăm sóc cha mẹ được, bác sĩ à. Giá thuê ô sin chăm bệnh trung bình thuê từ 9-12 triệu/ tháng, tương đương lương của bác sĩ đó, nhưng không phải dễ thuê bởi người chăm sóc bệnh cũng hàng trăm hàng vạn kiểu tính tình. Ngay trong gia đình này, anh còn không chịu được người thân huống chi người lạ vào với cách ăn ở và suy nghĩ khác.
Anh nói nửa như giải thích nửa như thở than.
– “Nhìn kỹ các nước phát triển Phương Tây, mối quan hệ gia đình có vẻ hời hợt và lạnh lùng … nhưng lại rất văn minh và nhân văn. Bởi khi trẻ, họ đi làm, đóng thuế đầy đủ, về già vào viện dưỡng lão. Tuỳ theo mức đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiển y tế mà được chăm sóc.
Ai cũng có một đời sống riêng để sống.
Thương đôi khi là để cho nhau biết tự chịu trách nhiệm về cuộc đời mình! Không dựa dẫm. Không ỷ lại.
Ví dụ, khi một bệnh nhân ở các nước phát triển nhập viện vì bệnh nặng, luôn có đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng, thiện nguyện viên chăm sóc. Người nhà không cần phải làm bất cứ điều gì hỗ trợ. Họ chỉ có mặt khi được nghe giải thích bệnh, khi ký kết làm thủ thuật hay tư vấn những bước tiếp theo. Ở Việt Nam, trong bệnh viện , nếu không có người nhà, thật, không có đủ bác sĩ và điều dưỡng để làm mọi thứ.
Một số nước văn minh còn có luật cho sự ra đi êm ái. Khi ai đó không còn khả năng sống, sống mà bại não, nằm một chỗ … họ được quyền xin bác sĩ giúp để ra đi êm ái.
Họ quan niệm SỐNG LÀ PHẢI CÓ CHẤT LƯỢNG, CHUẨN MỰC.
Tiếc là nhiều năm rồi, Việt Nam chưa có nhiều những viện dưỡng lão xanh, sạch và đúng chuẩn để cho người già có thể sống và yên tâm nghỉ ngơi, cũng như chưa có nhiều những tư tưởng tiến bộ, người già phải vào viện dưỡng lão với những chính sách an sinh xã hội khoa học hợp lí.”
Mình trả lời anh rằng: Thôi, đừng nghĩ và đừng nói nữa. Tình thương luôn song hành với sức mạnh. Khi nào thấy nặng hãy hỏi lại lòng có thương không.
Anh cúi đầu thấp xuống.
Mình biết đó chỉ lời suông, lý thuyết suông.
Bây giờ chúng ta phải thật sự chú ý:
1. Ba mẹ và chính chúng ta nữa có bảo hiểm y tế hay bảo hiểm nhân thọ chưa?
2. Khi về hưu, chúng ta muốn sống cuộc đời của mình như thế nào? Chúng ta muốn đi đây đi đó hay muốn sống với con cháu và dành thời gian chăm sóc cháu?
3. Khi bệnh, chúng ta có bác sĩ riêng chưa và ai là người chăm sóc mình trong bệnh viện và ở nhà?
4. Khi đối diện cái chết, tất nhiên nó sẽ đến, không sớm hay muộn, chúng ta sẽ như thế nào, thanh thản hay vẫy vùng, bình an hay khủng hoảng?
Nguyễn Bảo Trung